Hỏi đáp chi phí dự phòng

Câu hỏi 1:Chủ đầu tư có được tự quyết sử dụng chi phí dự phòng?

Đối với những gói thầu có chi phí dự phòng đã được người quyết định đầu tư phê duyệt, chủ đầu tư quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng này cho phù hợp; đối với những gói thầu chưa được phê duyệt, khi sử dụng chi phí dự phòng chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định.

Theo phản ánh của ông Lê Trung Hưng, Công ty CP Tư vấn Đô thị Việt Nam – Vinacity, Khoản 4 Điều 7, Điểm b Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết về quản lý chi phi đầu tư xây dựng công trình quy định:

“Điều 7. Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng

4. Người quyết định đầu tư quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng của dự án đầu tư xây dựng.

Điều 28. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư

1. Người quyết định đầu tư có các quyền sau đây:

b) Quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng (trừ trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật)”.

Ông Hưng hỏi, trong trường hợp giá gói thầu đã có chi phí dự phòng và trong hợp đồng thi công xây dựng (đối với hợp đồng đơn giá cố định hoặc điều chỉnh) bao gồm chi phí dự phòng thì Chủ đầu tư có được quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng này hay vẫn phải trình người quyết định đầu tư quyết định?

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết về quản lý chi phi đầu tư xây dựng công trình quy định:

“Điều 8. Nội dung dự toán xây dựng

2. Đối với dự án có nhiều công trình xây dựng, chủ đầu tư xác định dự toán xây dựng của dự án theo từng công trình.

Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí xây dựng của công trình; chi phí thiết bị của công trình; các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng của công trình; các chi phí khác liên quan đến công trình và chi phí dự phòng của công trình”.

Ông Hưng hỏi, trong trường hợp Công ty ông lập dự toán xây dựng công trình cho dự án có nhiều công trình thì áp dụng định chi phí tư vấn của dự án hay cho từng công trình?

Về vấn đề này, Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 7, Điều 28 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thì việc sử dụng chi phí dự phòng do người quyết định đầu tư quyết định làm cơ sở để quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Việc sử dụng chi phí dự phòng theo quy định tại khoản 4, Điều 11 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.

Hiện nay hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng và các quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng:

Đối với những gói thầu có chi phí dự phòng đã được người quyết định đầu tư phê duyệt, chủ đầu tư quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng này cho phù hợp với đặc điểm, tính chất, thời gian thực hiện và điều kiện cụ thể của từng gói thầu xây dựng.

Đối với những gói thầu chi phí dự phòng chưa được người quyết định đầu tư phê duyệt, khi sử dụng chi phí dự phòng chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định.

Việc thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết giữa các bên và phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng và không trái với Hồ sơ mời thầu hoặc Hồ sơ yêu cầu, trên nguyên tắc đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên.

Về định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, việc áp dụng định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 3 và Điều 8 Thông tư số 16/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng. Các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được tính theo nội dung dự toán công trình phải phù hợp với nội dung, yêu cầu sản phẩm tư vấn và trình tự đầu tư xây dựng.

Câu hỏi 2: Giá dự thầu có gồm cả chi phí dự phòng?

Chủ đầu tư yêu cầu cắt bỏ chi phí dự phòng trong giá dự thầu có đúng quy định?

Sau khi tổ tư vấn chấm thầu, Công ty được mời tham gia thương thảo. Trong quá trình thương thảo, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu cắt bỏ phần chi phí dự phòng trong giá dự thầu vì hợp đồng trọn gói là hợp đồng theo đơn giá cố định nên không có trượt giá, còn chi phí dự phòng khối lượng chỉ được sử dụng khi có khối lượng phát sinh. Trường hợp khi công trình có phát sinh khối lượng và được phê duyệt thì hai bên mới sử dụng chi phí dự phòng khối lượng này để thanh toán.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Điểm b, Khoản 1, Điều 62 Luật Đấu thầu quy định, khi áp dụng hợp đồng trọn gói, giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu phải bao gồm cả chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá; giá dự thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT, đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định.

Theo hướng dẫn tại Mục 14.3 Chương I và Mẫu số 5 Chương IV Mầu hồ sơ mời thầu xây lắp số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm chi phí cho các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) và chi phí dự phòng. Nhà thầu phải tính toán các chi phí nêu trên và phân bổ vào trong giá dự thầu.

Đối với trường hợp của Công ty, khi tham dự thầu nhà thầu phải chào giá dự thầu theo quy định nêu trên.

Trường hợp nhà thầu đã chào giá dự thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu và quy định nêu trên thì việc trong quá trình thương thảo, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu cắt bỏ phần chi phí dự phòng trong giá dự thầu mà nhà thầu đã tính toán, phân bổ vào giá dự thầu là không phù hợp với quy định nêu trên.

Bổ sung chi phí dự phòng vào giá dự thầu thế nào?

Ông Nguyễn Hồ Thanh Hải (Quảng Nam) hỏi, hiện nay, việc xác định chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP

Khi lập kế hoạch đấu thầu phần giá gói thầu (đối với hợp đồng trọn gói) bao gồm cả phần dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng phát sinh. Khi nhà thầu bỏ thầu phần trượt giá họ đã tính trực tiếp vào giá vật liệu, nhân công, ca máy; còn phần dự phòng khối lượng phát sinh nhà thầu chào theo tỷ lệ % trong bảng phân tích đơn giá. Ông Hải muốn biết, như vậy có phù hợp không?

Theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT hồ sơ mời thầu phải quy định rõ nội dung và nguyên tắc sử dụng chi phí dự phòng để làm cơ sở cho nhà thầu chào thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng, nhưng trong 2 mẫu hồ sơ mời thầu kèm theo Thông tư thì không có hướng dẫn về nội dung này. Vậy nếu quy định bổ sung chi phí dự phòng thì bổ sung thế nào và nguyên tắc sử dụng như thế nào cho phù hợp?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Khi xây dựng giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 35 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Việc xác định các chi phí dự phòng phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, chủ đầu tư căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu để xác định mức chi phí dự phòng cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá cho phù hợp.

Trường hợp đối với các gói thầu đã xác định chính xác số lượng, khối lượng công việc và có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn thì có thể áp dụng mức chi phí dự phòng thấp hoặc bằng không trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định về cách xác định chi phí dự phòng.

Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn, đối với hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải tính toán và phân bổ chi phí dự phòng vào trong giá dự thầu; không tách riêng phần chi phí dự phòng mà nhà thầu đã phân bổ trong giá dự thầu để xem xét, đánh giá trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu về tài chính, thương mại.

Theo đó, khi tham dự thầu nhà thầu phải nghiên cứu, tính toán toàn bộ các chi phí để đưa ra giá dự thầu phù hợp với lợi thế của mình, giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng và được phân bổ vào trong đơn giá của nhà thầu, nhà thầu không được chào riêng phần chi phí dự phòng.

Câu hỏi 3:Phương pháp xác định dự toán chi phí dự phòng trong xây dựng được quy định ra sao?

Nội dung này được Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn như sau:

  • Phương pháp xác định dự toán chi phí dự phòng trong xây dựng được quy định tại Khoản 7 Điều 9 Thông tư 09/2019/TT-BXD, cụ thể như sau:

    – Chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.

    – Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở thời gian xây dựng công trình, thời gian thực hiện gói thầu, kế hoạch thực hiện dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kế hoạch bố trí vốn và chỉ số giá xây dựng (tính bằng tháng, quý, năm) phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.

    – Đối với dự án có nhiều công trình hoặc dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng (tổng dự toán) là tổng chi phí dự phòng của các công trình hoặc các gói thầu xây dựng và chi phí dự phòng còn lại của dự án chưa phân bổ vào từng công trình, gói thầu xây dựng thuộc dự án. Chi phí dự phòng phân bổ cho từng công trình đối với dự án có nhiều công trình hoặc các gói thầu xây dựng đối với dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được xác định dựa trên tính chất công việc, độ dài thời gian thực hiện công việc, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thực tế và các yếu tố khác. Việc quản lý chi phí dự phòng thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

    Ban biên tập phản hồi thông tin.

 

Tệp đính kèm: Tài liệu.rar

Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👈